Cửa hàng 100 yên, quán cafe ở Nhật khốn đốn vì giá cả leo thang

Article

Cửa hàng 100 yên, quán cafe ở Nhật khốn đốn vì giá cả leo thang


Cửa hàng 100 yên, quán cafe ở Nhật khốn đốn vì giá cả leo thang

Cửa hàng 100 yên, quán cafe ở Nhật khốn đốn vì giá cả leo thang

Giá cả nguyên liệu thô tăng cùng với việc tỷ giá đồng yên giảm đến mức thấp nhất trong hai thập kỷ qua đã dẫn đến tình trạng giá cả leo thang tại Nhật Bản. Cửa hàng 100 yên và nhiều quán cà phê ở nước này cũng không tránh khỏi ảnh hưởng nặng nề từ những thay đổi đột ngột. 

Theo số liệu của Bộ Nội vụ và Truyền thông công bố vào ngày 20/05, trong tháng 04/2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Nhật Bản tăng 2,1% so với năm trước. Con số này đánh dấu mức tăng CPI lớn nhất trong vòng 13 năm qua (tính từ tháng 09/2008), đã loại trừ ảnh hưởng của thuế tiêu dùng.

Trong suốt thời kỳ giảm phát kéo dài của Nhật Bản trước đây, các cửa hàng 100 yên được mở rộng một cách nhanh chóng. Nhiều nơi liên tục ghi nhận doanh số cao và số lượng cửa hàng tiếp tục tăng trong một thập kỷ qua. Thị trường ngành này sắp đạt ngưỡng một nghìn tỷ yên thì lại bất ngờ gặp phải trở ngại lớn.

Ông Takeshi Miyagi, giám đốc quản lý 9 cửa hàng The 100 Stores tại Tokyo. Ảnh: Mainichi 

Takeshi Miyagi, 54 tuổi, Giám đốc Quản lý cấp cao của công ty Initial One Hundred đang điều hành 9 cửa hàng The 100 Stores tại Tokyo, cho biết: "Đây là tình huống khó khăn nhất mà chúng tôi từng gặp phải. Với tốc độ này, việc giao hàng cho các cửa hàng của chúng tôi sẽ bị dừng lại. Nếu tình trạng tiếp diễn trong hơn một năm, cửa hàng sẽ khó mà duy trì hoạt động được”.

90% trong số 10.000 sản phẩm của cửa hàng đến từ nhập khẩu. Khi chi phí nhập khẩu tăng, giá nguyên liệu leo thang và đồng yên giảm, cách duy nhất để bán hàng hóa ở giá 100 yên là mua vào với giá thấp. Tuy nhiên, ông Miyagi cho biết các nhà phân phối cũng nói rằng họ đang gặp khó khăn và không thể giảm giá thêm được nữa. 

Gần đây, công ty đã không thể mua được hàng hóa cho mức giá 100 yên và buộc lòng phải tăng giá các mặt hàng lên vài trăm yên, bao gồm hộp nhựa đựng giấy A4 từ 100 yên lên 200 yên.

Còn với sản phẩm đất trồng trọt bán rất chạy vào mùa xuân, thường được sản xuất tại Trung Quốc, do có rất nhiều khách hàng ưa chuộng mặt hàng này nên công ty cố gắng giữ giá 100 yên. Nhưng lợi nhuận của nó gần như bằng 0 nên trong tương lai, họ có thể sẽ sớm tăng giá mặt hàng này.

Rất nhiều doanh nghiệp tương tự cũng đã từ bỏ việc bán sản phẩm đồng giá 100 yên và tăng giá ngày càng nhiều loại hàng hóa.

Cửa hàng đồng giá 100 yên The 100 Stores. Ảnh: ekiten.jp

Cửa hàng 100 yên là nơi cung cấp đa dạng các mặt hàng gia dụng với giá rẻ, từ thực phẩm, bộ đồ ăn đến văn phòng phẩm và đồ chơi, nên chúng trở nên vô cùng phổ biến và cần thiết với người tiêu dùng. Tuy nhiên, theo một nguồn tin trong ngành, ngày càng có nhiều cửa hàng đã cắt giảm số lượng hàng hóa vì không thu được lợi nhuận khi bán với giá sỉ.

Trong khi đó, lạm phát cũng tác động đến các cửa hàng cà phê tại tỉnh Gifu, nơi có số quán cafe trên đầu người vào hàng cao nhất Nhật Bản. Người dân địa phương thường đến ăn sáng tại những nơi này, với thực đơn gồm bánh mì nướng, salad và các loại thức ăn khác dùng kèm cà phê. 

Một trong số đó là Saiwai - cửa hàng 112 năm tuổi. Nơi này đã giữ nguyên giá trong suốt 24 năm, nhưng kể từ khi thuế tiêu dùng tăng vào năm 2019, họ không còn cách nào khác ngoài việc tăng giá một tách cà phê từ 400 yên lên 450 yên. 

Quán cà phê Saiwai lâu đời tại tỉnh Gifu. Ảnh: tripadvisor.com

Hiện tại, giá hạt cà phê quốc tế đang khá cao do ảnh hưởng thời tiết tại Brazil và đồng yên giảm mạnh. Ngay cả bánh doughnut đặc trưng của các quán cà phê cũng bị đội giá do giá bột và dầu ăn tăng cao. 

Một vị khách quen 71 tuổi của Saiwai cho biết: “Việc giá cả tăng lên gần đây đẩy những người sống bằng lương hưu rơi vào khó khăn, nhưng nơi này đã cố gắng giữ nguyên giá bán trong một thời gian dài. Tuy nhiên đợt này, cửa hàng đã không thể làm vậy nữa”. Nhiều vị khách quen vẫn tiếp tục ghé thăm quán khiến cho ông Yukihiko Kojima, 75 tuổi, chủ cửa hàng cảm thấy càng có lỗi hơn với khách. 

Ngay cả Hiệp hội cửa hàng cà phê của tỉnh Gifu cũng lên tiếng kêu gọi các thành viên đừng ngần ngại tăng giá. Họ giải thích: “Nếu giữ nguyên giá, cuối cùng sẽ càng nhiều cửa hàng buộc phải đóng cửa." Có thể nói, văn hóa ăn sáng tại các quán cà phê của tỉnh Gifu cũng như nhiều nơi khác tại Nhật đang gặp khó khăn trong bối cảnh giá cả leo thang trên toàn quốc.