Di sản của Kenji Ekuan - người tạo ra chai nước tương Kikkoman

Article

Di sản của Kenji Ekuan - người tạo ra chai nước tương Kikkoman


Di sản của Kenji Ekuan - người tạo ra chai nước tương Kikkoman

Di sản của Kenji Ekuan - người tạo ra chai nước tương Kikkoman

Kenji Ekuan - nhà thiết kế người Nhật từng đoạt giải thưởng quốc tế - đã không ngừng sáng tạo trong suốt sự nghiệp của mình để mang đến những sản phẩm đậm tính thẩm mỹ lẫn tính ứng dụng sâu sắc.

Đi theo Phật giáo từ nhỏ

Kenji Ekuan sinh vào ngày 11/09/1929 tại Tokyo, ông dành phần lớn tuổi thơ của mình ở Hawaii và Hiroshima. Ngay từ khi còn nhỏ, cậu bé Kenji đã được nuôi dạy để trở thành một nhà sư như cha của mình.

Ông trở về Hiroshima vào cuối Thế chiến thứ hai để nối nghiệp cha, người đã qua đời vì nhiễm độc phóng xạ trong vụ ném bom nguyên tử của Mỹ. Tại đây, sau khi chứng kiến địa ngục gây ra bởi quả bom, cuộc đời Kenji Ekuan đã rẽ sang một hướng khác.

NTK Kenji Ekuan. Ảnh: GKDI

Năm 1955, ông tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật và Âm nhạc Quốc gia Tokyo, nay là Đại học Nghệ thuật Tokyo. Hai năm sau đó, ông thành lập công ty thiết kế riêng với tên gọi GK Industrial Design Associates - đối tác lâu năm cho dòng mô tô của Yamaha. 

Cảm hứng thiết kế đến từ sự tàn phá

Hay nói đúng hơn, đối với người đã chứng kiến sự mất mát và phá hủy quá lớn như Kenji Ekuan thì vẻ đẹp của hàng hóa nằm ở tính ứng dụng cao dành cho mọi người: “Thiết kế đối với tôi có nghĩa là làm cho mọi người hạnh phúc. Hạnh phúc được hiểu theo nghĩa là những món đồ mang lại sự thoải mái, tiện lợi, đa chức năng và thẩm mỹ cao”.

Là một người theo Phật pháp từ nhỏ, sự bình thản trong con người của Kenji Ekuan dường như được hun đúc theo năm tháng. Với những người từng tiếp xúc với Ekuan, họ đều có chung nhận xét rằng, chưa bao giờ nghe ông nói một cách cay đắng về việc thành phố mình sống “đột ngột bị san bằng”. Trước sau, ông chỉ chia sẻ về nguồn cảm hứng của mình để giúp đất nước phục hồi và khôi phục lại cuộc sống bình thường cho người dân.

Kenji Ekuan bên cạnh sản phẩm nổi tiếng nhất của ông - chai nước tương Kikkoman. Ảnh: GKDI

Nhưng thật ra, ngay từ khi còn nhỏ, triết lý về tính bền vững đã luôn trong tâm trí của Kenji Ekuan. Những năm tháng đi lang thang trên đường phố ở Hiroshima, lắng nghe những chiếc xe đạp cùng nhiều đồ vật khác bị vứt ở một xó và “than thở” rằng chúng không thể sử dụng được nữa, đã hình thành nên khái niệm thiết kế và sáng tạo trong ông.

Đối mặt với sự hư vô đó, tôi cảm nhận một nỗi hoài niệm lớn lao dành cho văn hóa nhân loại. Tôi cần một cái gì đó để chạm vào, để nhìn vào. Ngay lúc đó, tôi quyết định trở thành người tạo ra mọi thứ."

Trong một buổi phỏng vấn, Kenji Ekuan chia sẻ rằng: “Giống như con người, mọi đối tượng đều có thế giới riêng của chúng. Tạo ra một vật là làm đầy nó bằng chính linh hồn của nó." Ông cũng cho rằng: "Bất cứ thứ gì con người sử dụng trong cuộc sống hàng ngày đều cần có thiết kế, và đó chính là bằng chứng rõ ràng, vững chắc về quyền sống cơ bản nhất của con người”.

Quan niệm trong thiết kế của Kenji Ekuan

Tính thẩm mỹ và chức năng

Việc ông lấy chủ đề hộp bento trong cuốn sách “Tính thẩm mỹ của hộp cơm Nhật Bản” và thể hiện mối quan hệ của nó với văn hóa xứ Phù Tang đã cho thấy góc nhìn sâu sắc, tinh tế của Kenji Ekuan. Cuốn sách này đã trở thành giáo trình không chính thức của đội ngũ thiết kế tại công ty GK.

Nội dung của cuốn sách nhấn mạnh nhiều lần tính quan trọng của thị giác, hãy dùng mắt để thưởng thức vẻ đẹp, sự hài hòa, yếu tố bốn mùa, tính phân cấp của thị giác, các khoảng trống tinh tế trong việc phân chia món ăn ở từng ô của hộp bento. 

Cuốn sách "Tính thẩm mỹ của hộp cơm Nhật Bản" của Kenji Ekuan. Ảnh: GKDI

Các nhà khoa học cũng khẳng định rằng thị giác chiếm 80% khả năng cảm nhận của một người. Đây là điều rất quan trọng vì mọi người thường mong muốn được nhìn thấy những thứ xinh đẹp. Đặc biệt người Nhật vốn chịu ảnh hưởng nhiều bởi yếu tố thị giác, nên việc thiết kế bất kỳ thứ gì cũng cần chú trọng tính thẩm mỹ.

Tính bền vững

Kenji Ekuan quan niệm rằng những gì thiết kế ra đều phải tương thích với môi trường hàng ngày, gắn bó mật thiết với một khía cạnh nào đó trong cuộc sống con người. Điều đó dễ quan sát được qua thiết kế chai nước tương của Kikkoman, với chất liệu thủy tinh trong suốt, vừa có thể nhìn thấy được lượng nước tương còn lại, vừa tái sử dụng về sau.

Các sản phẩm được tạo ra dưới bàn tay của Kenji Ekuan

Chai nước tương Kikkoman

Đây là mẫu thiết kế nổi tiếng nhất của Ekuan và trở thành biểu tượng của thương hiệu nước tương Kikkoman. 

Ở độ tuổi 20, Kenji Ekuan đã giành được hợp đồng thiết kế chai nước tương từ Kikkoman. Động lực cho thiết kế này bắt nguồn từ kỷ niệm của ông khi nhìn mẹ rót nước tương từ chai lớn 1l khi ông còn nhỏ. Phải mất ba năm với 100 thiết kế để ông đưa ra quyết định cuối cùng cho hình dáng chai nước tương ở hiện tại. Sáu thập kỷ trôi qua, hơn 500 triệu chai đã đến tay người tiêu dùng.

Bản thiết kế mẫu chai Kikkoman. Ảnh: thevintagent

Chai nước tương thậm chí còn được thêm vào bộ sưu tập cố định tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại New York như một phần của triển lãm Humble Masterpieces, nơi ghi nhận những thiết kế nổi bật của các vật dụng hàng ngày.

Yamaha Vmax

Theo Yamaha, GK Design Group chịu trách nhiệm cho gần như tất cả các thiết kế mô tô của họ cho đến gần đây. Năm 1989, một bộ phận riêng biệt thuộc GK Design Group là GK Dynamics được thành lập để phụ trách thiết kế xe. Cho đến năm 2014, khi Yamaha thành lập một nhóm thiết kế nội bộ thì sự hợp tác này mới kết thúc.

Ngoài ra, Kenji Ekuan cùng GK Design Group cũng là những người tạo nên thiết kế của: Tàu tốc hành Narita 253 series (1991); Tàu Shinkansen Komachi E3 Series (1997); Tàu tốc hành Narita E259 series (2009); Tàu điện đa năng E233; Biểu tượng của chính quyền Tokyo; Logo Ministop; Biểu tượng của Hiệp hội Đua xe Nhật Bản... Ông cũng là đồng sản xuất cho Triển lãm Thiết kế Thế giới 1989 được tổ chức tại Nagoya.

Yamaha Vmax: một trong những thiết kế nổi tiếng của Kenji Ekuan. Ảnh: The Vintagent

Kenji Ekuan là người tiên phong trong lĩnh vực thiết kế suốt những năm hình thành nên ngành Thiết kế Công nghiệp ở Nhật. Ông là Chủ tịch của ICSID (Hội đồng Quốc tế về Thiết kế Công nghiệp) và JIDA (Hiệp hội Thiết kế Công nghiệp Nhật Bản); suốt cuộc đời, ông đã dồn nhiều tâm sức để thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp và học thuật trên khắp thế giới. 

Đồng thời những sáng tạo của ông đều được công nhận rộng rãi trên toàn cầu, có thể minh chứng bằng những huân chương mà Ekuan đã nhận được: “Golden Compass” của Ý; Huân chương Sir Misha Black của Anh; Huân chương Mặt trời mọc của Nhật; Huân chương Sư tử của Phần Lan.

Ảnh: GKDI

Vào những năm tháng cuối đời, Kenji Ekuan vẫn miệt mài kiến tạo nghệ thuật thông qua các buổi triển lãm ở Hiroshima, cho thấy cái nhìn bao quát về sự phát triển không ngừng của ngành thiết kế công nghiệp từ quá khứ, hiện tại đến tương lai.

Tàu cao tốc Narita. Ảnh: fastcompany

Năm 2015, Kenji Ekuan qua đời, hưởng thọ 85 tuổi. Sự ra đi của ông là một mất mát lớn cho ngành thiết kế công nghiệp thế giới. Tuy vậy, di sản là những thiết kế của ông vẫn sống mãi và là nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều nhà thiết kế sau này.