Lương Văn Huy: Người mang sợi phở tươi đến đất Nhật

Article

Lương Văn Huy: Người mang sợi phở tươi đến đất Nhật


Từ một thạc sĩ kinh tế Nhật Bản, anh Lương Văn Huy lại “bén duyên” với sợi phở Việt truyền thống, anh đã thành công trong việc sản xuất phở tươi ngay trên đất Nhật, điều mà nhiều người đã thử nhưng chưa đạt được kết quả.

Lương Văn Huy: Người mang sợi phở tươi đến đất Nhật

Từ một thạc sĩ kinh tế Nhật Bản, anh Lương Văn Huy lại “bén duyên” với sợi phở Việt truyền thống, anh đã thành công trong việc sản xuất phở tươi ngay trên đất Nhật, điều mà nhiều người đã thử nhưng chưa đạt được kết quả.

Với những người con xa quê, việc có thể mua được những sợi bún, sợi phở tươi là một điều khá xa xỉ. Chính vì thế, những loại sợi khô được đóng gói một cách công nghiệp sẽ là sự lựa chọn hàng đầu. Tuy nhiên, không gì có thể thay thế được sợi phở tươi truyền thống mềm mại và dai tự nhiên mang theo hương thơm, vị ngọt đặc trưng của hạt gạo. Vậy tại sao lại không có ai sản xuất phở tươi ở nước ngoài? Lý do thì rất nhiều, nhưng chủ yếu sẽ xoay quanh vấn đề nguồn nguyên liệu, sự khác biệt về điều kiện khí hậu và kỹ thuật sản xuất. 

Phở Việt Nam là món ăn nổi tiếng trên toàn thế giới, chính vì thế yêu cầu về chất lượng sợi phở cũng càng khắt khe hơn. Ảnh: istock

Nhưng những năm gần đây tại Nhật đã bắt đầu xuất hiện phở tươi do chính tay người Việt sản xuất. Anh là Lương Văn Huy, một người sống và làm việc tại Nhật nhưng có niềm đam mê mãnh liệt với việc mang hương vị quê hương đến với đồng bào xa xứ.

Được biết, sau khi sang Nhật để học lên thạc sĩ kinh tế Nhật Bản, anh quyết định ở lại đất nước này và công tác tại một công ty du lịch ở Tokyo. Dù công việc ổn định nhưng với hoài bão của một người có ước mơ lớn, anh vẫn luôn mong muốn tạo ra một thành quả của riêng mình.

Anh nghỉ việc, thành lập công ty TNHH JVF (Japan Vietnam Food) tập trung sản xuất sợi phở tươi và phở cuốn tươi vào năm 2019. Một người bản xứ khởi nghiệp trên chính quê hương mình đã là khó, thì với người nước ngoài, điều này lại càng lắm chông chênh. Dẫu vậy anh Huy vẫn chấp nhận rủi ro, thách thức từ cả về văn hóa, ngôn ngữ, pháp lý... nhờ có sự ủng hộ của gia đình. Tuy nhiên, những khó khăn này đều đã được anh tính toán cẩn thận để không phạm phải sai lầm.

Anh Huy cùng gia đình đang sinh sống tại Nhật. 

Kinh doanh trên đất người, điều quan trọng là cần hòa nhập với văn hóa kinh doanh của người bản địa, điều này anh đã học được từ thầy của mình - giáo sư Takeuchi Ikuo khi còn là sinh viên trong trường đại học Công nghiệp, Nông nghiệp Tokyo. Bán sản phẩm truyền thống của người Việt, tuyên truyền văn hóa ẩm thực của người Việt, nhưng đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng theo văn hóa của người bản địa thì sẽ hài hòa hơn và dễ dàng được khách hàng chấp nhận hơn.

Mọi cố gắng nào rồi cũng đến ngày kết thành trái ngọt, phở tươi của JVF được đón nhận mạnh mẽ trong cộng đồng người Việt tại Nhật, điều này được thấy rõ ở lượt tương tác trên trang cá nhân và fanpage 株式会社 JVF - Phở Tươi tại Tokyo

Công đoạn cắt bánh phở trên dây chuyền sản xuất.

Điều gì đã khiến một người không xuất thân từ lĩnh vực sản xuất hay nông nghiệp lại có thể tạo ra sản phẩm được đánh giá “đúng vị quê hương” ở xứ người? Hãy cùng Kilala trò chuyện với anh Lương Văn Huy – người đầu tiên tạo nên sợi phở tươi tại Nhật Bản!

Anh có cảm thấy mình đánh cược rất lớn khi chuyển hướng sang một lĩnh vực chưa ai làm ở Nhật là sản xuất phở tươi?

Mọi người vẫn thường hay truyền miệng nhau rằng “Kinh doanh là phải liều, dám mạo hiểm và phải biết lạnh lùng...”. Nhưng đối với tôi, kinh doanh không phải là một ván bài may rủi và đặt cược vào số phận.

Trên thực tế, trước tôi cũng có rất nhiều người kể cả người Việt và người Nhật đã nhìn rõ được tiềm năng cũng như nhu cầu rất lớn về sợi phở tươi ở thị trường này. Tuy nhiên có một số rào cản lớn khiến cho việc sản xuất sợi phở tươi ở Nhật khó thành công, dẫn đến khách hàng đã phải chờ đợi khá lâu.

Nhân viên đang đổ bột vào nồi nguyên liệu trên máy.

Trước khi chuyển hướng sang thị trường này, thực tế tôi cũng đã phải mất khoảng 1 năm nghiên cứu, liệt kê tất cả những khó khăn, những rào cản, sắp xếp toàn bộ theo thứ tự từ khó đến dễ. Sau khi hoàn thiện bản danh sách các vấn đề bao gồm cả phân tích thị trường và đánh giá rủi ro, tôi bắt đầu tiến hành “bắt mạch và chữa bệnh” cho từng vấn đề một.

Mỗi ngày đều đặn làm công việc ấy cho đến khi toàn bộ những rào cản bị gạch bỏ hết thì mới bắt đầu đưa kế hoạch kinh doanh vào triển khai thực tế. Chính sự chuẩn bị kỹ lưỡng này giúp tôi giải tỏa được rất nhiều những áp lực lúc bắt đầu triển khai thực tế cũng như tiết kiệm được phần nào thời gian set-up ban đầu của dự án. 

Để tạo nên sợi phở ngon thì yếu tố then chốt là chất lượng của hạt gạo. Yêu cầu của anh đối với hạt gạo ngon là như thế nào?

Thực tế mà nói, để sản xuất ra được ra sợi phở thì chỉ có một vài loại gạo có thể đạt được yêu cầu đó, ngay cả ở Việt Nam, mỗi vùng miền, mỗi làng nghề cũng đều có bí quyết riêng. Nhưng tựu trung, hạt gạo để làm phở, bún cần phải là gạo tẻ, khô, xốp, nở nhiều và thu hoạch trước 1 năm để bảo quản trước khi sử dụng.

Phở tươi và phở cuốn tươi.

Vậy, mất bao lâu để anh tìm ra được loại gạo phù hợp?

Vấn đề không phải là “mất bao lâu” tìm ra loại gạo phù hợp mà là “làm thế nào” để có được loại gạo phù hợp. Đây chính là một trong những rào cản khó nhất trong công cuộc sản xuất bánh phở tươi tại Nhật. Tôi phải mất hơn nửa năm cho việc này, đến gặp gỡ và trao đổi với các công ty nhập khẩu gạo, xin ý kiến tư vấn của cục xuất nhập khẩu về vấn đề nhập khẩu lương thực...

Anh đã bao giờ từng thử dùng gạo Nhật để làm phở chưa? Hương vị như thế nào?

Tất nhiên là tôi đã từng tìm hiểu về gạo Nhật, ở đây tất cả các loại gạo đều có biểu đồ phân tích đặc tính sản phẩm khá rõ ràng, dựa vào biểu đồ đó tôi cũng thử một vài loại gạo có đặc tính gần giống nhất với gạo dùng để làm phở. Tuy nhiên mới dừng lại ở việc nấu cơm để kiểm tra sơ bộ thì đều đã không đạt kết quả khả thi rồi.

Vì đặc tính nổi bật của gạo Nhật – Japonica đó là sự mềm, dẻo, chỉ từ điều này thôi là đã khác biệt rất lớn với loại gạo làm phở Việt.

Ngay cả từ hình dáng thì gạo Việt (trái) và gạo Nhật (phải) đã có sự khác nhau.

Được biết anh đã thành công trong việc mang giống lúa từ Việt Nam sang Nhật để trồng, “tự cung, tự cấp” cho việc sản xuất phở tươi. Anh có thể chia sẻ về hành trình mang hạt gạo Việt đến đất Nhật? 

Đúng là đã có được gạo Việt tại Nhật nhưng không thể dùng từ “tự cung, tự cấp” được. Tôi không thuộc tuýp người làm tận gốc, ăn tận ngọn mà làm việc trên tinh thần hợp tác để tạo nên một cộng đồng sức mạnh. Như đã nói, ngoài tôi ra có rất nhiều người khác cũng đam mê món phở Việt, vì vậy tôi đã hợp tác với một doanh nghiệp chuyên sản xuất lúa gạo để thực hiện việc canh tác này.  

Sự hợp tác này cũng là một cơ duyên, người trồng gạo Việt cho tôi cũng là một người rất đam mê phở và từng nghiên cứu công nghệ sản xuất phở tại Nhật nhưng không thành công. Sau khi biết tôi đã sản xuất thành công bánh phở, họ đã rất vui khi hợp tác cùng JVF để cùng chung tay đưa sản phẩm này ngày càng tiến xa hơn ở thị trường Nhật.

Sợi phở của JVF sẽ giống hệt hương vị của phở tại Việt Nam, hay anh có thay đổi tỷ lệ để phù hợp với khẩu vị Nhật Bản?

Có thể nói “giống hệt hương vị phở Việt Nam cũng đúng, mà có một chút khác biệt cũng đúng”. Giống ở chỗ sau khi sợi phở làm ra, cho dù người Việt hay người Nhật, bất kỳ ai đã hiểu rõ sợi phở tươi thì đều cảm nhận được rõ sự chuẩn mực của sợi phở Việt trong sản phẩm オリジ-PHO “Original-Pho” của JVF. 

Nhân viên đang đóng gói phở.

Là một người lớn lên với hương vị phở, tôi không chấp nhận thay đổi bất kỳ một điểm nào làm ảnh hưởng đến tính cốt lõi, đến cái hồn của sợi phở Việt, vì động lực ban đầu của tôi khi quyết tâm làm sản phẩm này là muốn mang lại sự chuẩn mực cho phở Việt, muốn người Nhật có thể cảm nhận được món phở nguyên bản của người Việt chứ không phải một người mang sợi phở lai tạp ra thế giới. 

Nhưng sự khác biệt so với phở tại Việt Nam vẫn sẽ có và nằm ở chỗ sản phẩm phải phù hợp với thói quen sử dụng của người bản địa, đó là bảo quản lạnh, hạn sử dụng dài nhưng khi sử dụng chất lượng vẫn không bị biến đổi. Điều này rất khó đối với các sản phẩm tươi được làm từ gạo, đặc biệt là tuyệt đối không được phép sử dụng bất kỳ chất phụ gia tạo dai nào. Đây chính là điểm khó nhất trong sản xuất bánh phở tươi tại Nhật Bản.

Hiện nay sản phẩm của JVF có thể bảo quản lạnh được 1 tuần, trong tương lai gần, sau khi triển khai thành công công nghệ đóng gói mới thì vấn đề HSD (hạn sử dụng) của sản phẩm sẽ không còn là nỗi lo nữa.

Tất cả các sản phẩm đều được bọc kín bằng màng bọc, bảo quản trong tủ lạnh trước khi cân và đóng gói.

Để duy trì công việc kinh doanh thì cần phải có nguồn vốn dồi dào. Anh đã nhận được đầu tư máy móc từ ngân hàng, từ quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp của thành phố Tokyo. Vậy từ ý tưởng, anh đã thuyết phục những đối tác như thế nào để họ cảm thấy dự án đáng để đầu tư?

Bất kỳ một dự án kinh doanh nào cũng vậy, nhà đầu tư cần phải nhìn thấy được tiềm năng của nó trong tương lai, phải nhìn thấy được sự an toàn cũng như tâm huyết của người điều hành dự án. 

Công đoạn đưa bánh vào rổ bảo quản trước khi đóng gói.

Trong dự án sản xuất bánh phở của JVF, thị trường rộng lớn chính là lợi thế. Thời điểm ấy vẫn chưa có nhà sản xuất nào thành công trong khi nhu cầu thị trường hiện tại đang rất lớn. Chỉ cần thêm một bản kế hoạch kinh doanh tốt với các bước chiến lược cụ thể để đưa sản phẩm ra thị trường như thế nào là mình đã có thể thuyết phục được ngân hàng và quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp của chính phủ.

Nhiều người cho biết họ rất muốn thưởng thức bánh phở tươi nhưng giá thành cao hơn phở khô, vậy trong tương lai anh sẽ giải quyết bài toán về giá này như thế nào?

Tất nhiên một sản phẩm sản xuất tại thị trường nội địa so sánh với sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam sang thì mức giá nhất định sẽ có sự chênh lệch, tuy nhiên hiện tại giá bán phở tươi của JVF được mình đề ra một con số rất thấp cho các nhà hàng, ở mức độ khó có doanh nghiệp nào có thể đưa ra mức thấp hơn. Đây là một sân chơi chung, các nhà hàng cần phải dễ dàng tiếp cận nhất đến sản phẩm thì dự án mới có thể phát triển bền vững được, món phở chuẩn Việt mới có thể đến với thực khách một cách rộng rãi được. 

Đối với các khách hàng mua lẻ sản phẩm, do phải trải qua các khâu phân phối đại lý nên giá thành có phần hơi cao, nhưng trên thực tế đã khẳng định là hiện tại sản phẩm vẫn đang được cộng đồng người Việt đón nhận một cách rất rộng rãi.

Sản phẩm sẽ được đóng hộp và gửi lạnh đến khách hàng khắp cả nước thông qua công ty vận tải.

Trong tương lai gần, tôi sẽ đầu tư hệ thống dây chuyền cân và đóng gói tự động để nâng cao hiệu quả cũng như năng lực sản xuất của công ty, theo đó phần nào giá bán của sản phẩm cũng có thể thấp hơn một chút. 

Ngoài sợi phở tươi, JVF cũng cung cấp các thành phần để có được một tô phở ăn liền (nước, thịt, rau...) và nhận được phản hồi khá tích cực từ khách hàng. Vậy bí quyết tạo nên hương vị phở của anh Huy Lương là được học từ “sư phụ” nào?

Về nước dùng phở, dù không phải là mặt hàng chủ lực nhưng hơn một năm qua công ty chưa hề nhận bất kỳ một phản hồi không tốt nào từ khách hàng, kể cả người Việt và người bản địa. Ngược lại, luôn nhận được đề nghị công ty nên nhanh chóng triển khai hệ thống nhà hàng để có thể mang đến cho thực khách một món phở chuẩn Việt như thế.

Nói về bí quyết nấu nước dùng phở, thực tế tôi kết hợp kiến thức của không phải chỉ một người thầy, mỗi người đều có những bí quyết riêng, tôi chỉ là người kết hợp lại những bí quyết đó dựa trên khẩu vị và kinh nghiệm cá nhân cùng tâm huyết của một người mong muốn nhiều người có cơ hội thưởng thức phở hơn.

Set phở bao gồm cả nước dùng thịt và hành tươi.

Tiêu chí của tôi khi làm sản phẩm này là: tôn trọng giá trị văn hóa của món phở; quyết tâm không thay đổi quy tắc chế biến hay hương vị để chạy theo thị hiếu nhất thời của thị trường; hiểu rõ đặc tính của tất cả các thành phần nguyên liệu để có thể điều chế linh hoạt theo từng mùa trong năm.

Anh có nghĩ đến việc mở thêm nhà hàng phở hay không?

Mục tiêu chính là mang đến sự hoàn thiện cho món phở Việt trên toàn nước Nhật, việc chế biến nước dùng đã có sự chung sức của các nhà hàng nên trước mắt tôi sẽ chỉ tập trung vào việc sản xuất sợi phở để có thể cung ứng được đầy đủ cho các nhà hàng một cách ổn định nhất cả về số lượng và chất lượng sản phẩm. Hiện tại tôi vẫn luôn cởi mở chia sẻ những kinh nghiệm về món phở cho các thế hệ nhà hàng mới mở hiện nay để mọi người có thể cùng nhau chung tay vì một món phở chuẩn Việt trên đất Nhật.

Sau khi tất cả hoàn thiện, nếu thực khách vẫn muốn cảm nhận hương vị phở riêng của JVF thì tôi sẽ cố gắng xây dựng chuỗi nhà hàng của riêng mình. Nhưng chắc đó vẫn chỉ là kế hoạch của tương lai.

Nếu muốn thưởng thức phở tươi JVF (Japan Vietnam Food), mọi người có thể đến đâu?

Hiện tại đã có hơn 40 cửa hàng Việt Nam từ Kyushu đến Tokyo đang sử dụng sợi phở tươi của JVF thay cho sợi phở khô, sắp tới sau khi chuyển sang nhà máy mới, sản phẩm phở tươi của JVF sẽ hiện diện trong một số chuỗi nhà hàng Nhật Bản, bước tiếp theo là vào một số siêu thị.

Khách xếp hàng mua phở của JVF tại Japan Vietnam Festival vừa qua.

Kế hoạch này vẫn đang được JVF triển khai từng bước ngay trong thời điểm hiện tại. Về việc xác định rõ những địa điểm nào hiện đang sử dụng phở tươi của JVF, bên tôi đang triển khai xây dựng website cho công ty, trên đó có thể hiện rõ những thông tin ấy để khách hàng có thể tham khảo.

Chúng tôi cũng rất mong nhận được sự ủng hộ của khách hàng, đặc biệt là những ý kiến góp ý của cộng đồng người Việt tại Nhật để có thể mang trọn hương vị quê hương đến với những người con xa xứ.