Ly hôn sau khi chồng qua đời: Cách giải thoát cho người ở lại?

Article

Ly hôn sau khi chồng qua đời: Cách giải thoát cho người ở lại?


Ly hôn sau khi chồng qua đời: Cách giải thoát cho người ở lại?

Ly hôn sau khi chồng qua đời: Cách giải thoát cho người ở lại?

Nguồn: KILALA

Mặc dù là một khái niệm gây tranh cãi, nhưng những năm gần đây, ngày càng có nhiều góa phụ ở Nhật Bản lựa chọn ly hôn với người chồng đã khuất của mình. Điều gì khiến việc này trở nên phổ biến như vậy?

Ý nghĩa của việc ly hôn sau khi trở thành góa phụ

Ở Nhật Bản, việc ly hôn (Rikon - 離婚) cần có sự đồng thuận giữa hai bên nếu cả hai vợ chồng vẫn còn sống. Còn trong trường hợp một bên đã qua đời, người ở lại vẫn có thể đơn phương cắt đứt quan hệ pháp lý của mình với người thân của người đã khuất mà không cần sự chấp thuận của bất kỳ ai khác.

Tuy việc ly hôn sau khi chồng hoặc vợ qua đời đã âm thầm tồn tại trong xã hội Nhật Bản từ lâu, nhưng trong những năm gần đây, cụm từ để chỉ hành động này mới được đề cập, đó là “Shigo Rikon - 死後 離婚” (ly hôn sau khi chết). 

Ảnh: kokoro

Các trường hợp Shigo Rikon như vậy đã tăng vọt ở Nhật Bản. Theo thống kê của Bộ Tư pháp, số lượng hồ sơ bắt đầu tăng dần lên trong năm tài chính 2013 (tháng 04/2013 – tháng 03/2014), khi có 2.167 đơn xin ly hôn với người đã khuất được nộp. Con số này tăng khiêm tốn lên 2.202 trong năm tài chính 2014, rồi lại tăng vọt hơn 550 đơn lên 2.783 đơn vào năm sau. Và trong năm tài chính 2016, số lượng đạt mốc 4.032, tăng gần 50%. Năm 2018, con số này là 4.124 trường hợp. 

Ảnh: kokoro

Khó tìm thấy số liệu thống kê liên quan đến sự khác biệt về giới tính, nhưng theo báo chí và tình hình thực tế chỉ ra, đa phần là phụ nữ nộp đơn ly dị sau khi chồng qua đời. Điều này xuất phát từ kỳ vọng đối với các bà vợ trong văn hóa Nhật Bản.

Nguyên nhân dẫn đến việc ly hôn với người đã khuất

Quan niệm về sự gắn bó trong gia đình 

Bộ luật Dân sự của Nhật Bản đã thay đổi đáng kể sau Thế chiến thứ hai. Trước khi cải cách vào những năm 40, phụ nữ không được phép sở hữu tài sản, bỏ phiếu, đệ đơn ly hôn hoặc thừa kế tài sản gia đình... Phụ nữ phụ thuộc vào người chủ gia đình, cho dù đó là cha, chồng hay con trai cả của họ, đồng nghĩa với việc sau khi kết hôn, họ sẽ trở thành người của gia đình nhà chồng. 

Với những người mà chồng đã qua đời, họ sẽ được gọi là "Mibojin - 未亡人" (Vị Vong Nhân), tức "người chưa chết". Ngụ ý rằng cô ấy sẽ phải gắn bó với chồng từ khi còn sống, đến khi chết và cả sau đó nữa. Trong tiếng Việt cổ cũng tồn tại từ "vị vong nhân", từ này được những góa phụ xưa dùng để tự xưng, thể hiện rằng chồng chết rồi, mình cũng không hứng thú với cuộc sống nữa.

Trở lại những quy định nói trên, tuy đã bị bãi bỏ sau Thế chiến thứ hai, nhưng lối nghĩ đằng sau chúng vẫn còn ăn sâu vào tâm trí của những người Nhật Bản lớn tuổi ngày nay (hiện ở độ tuổi cuối 70 trở lên).

Hầu hết trong số họ đều kiên định với quan điểm trước chiến tranh rằng, một phụ nữ kết hôn sẽ trở thành thành viên của gia đình chồng, việc chuyển đến ở cùng nhà chồng và đảm nhận các trách nhiệm khác nhau là điều đương nhiên. Chẳng hạn, một góa phụ sẽ phải giúp đỡ công việc kinh doanh của gia đình, giữ liên lạc với họ hàng và chăm sóc cha mẹ, họ hàng nhà chồng lúc về già.

Chính vì thế, như một lẽ đương nhiên, họ cũng mong đợi thế hệ con cái đảm nhận những vai trò giống như bản thân đã làm trước đây và đặt ra yêu cầu tương tự cho con dâu của mình.

Ảnh: The Atlantic

Nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng trong vài thập kỷ sau chiến tranh đã kéo theo dòng người trẻ từ nông thôn di chuyển đến các thành phố để theo đuổi giáo dục đại học, tìm kiếm việc làm. Gia đình hạt nhân (chỉ gồm cha mẹ và con cái) đã trở thành chuẩn mực cho thế hệ hậu chiến. Khi những người trẻ không còn đủ gắn kết với cha mẹ, đặc biệt là con dâu với gia đình chồng, quan niệm này dần dần bị mai một.

Người vợ hay góa phụ hiện đại ngoài công việc gia đình là chăm sóc nhà cửa, con cái, phụng dưỡng cha mẹ chồng... còn phải “lao ra” xã hội để kiếm tiền. Cả về mặt cảm xúc lẫn kinh tế, áp lực của việc giữ vai trò làm dâu đối với cha mẹ chồng là quá nặng nề, đặc biệt khi người bạn đời không còn nữa. Đây cũng là lý do phổ biến khiến phụ nữ đệ đơn ly hôn.

Xem thêmChuyện ly hôn thời Edo: Khi người phụ nữ có quyền quyết định

Ý chí độc lập của người phụ nữ

Luật pháp Nhật Bản không cho phép các cặp vợ chồng sau khi kết hôn có hai họ riêng biệt, tức  là người phụ nữ hầu như luôn lấy họ của chồng. Vì thế việc ly hôn cho phép họ lấy lại tên thời con gái. Cũng có những trường hợp phụ nữ muốn ly hôn khi thành góa phụ vì áp lực của các nghi lễ tưởng niệm truyền thống, vốn bắt nguồn từ Phật giáo, mà họ phải thực hiện trong nhiều năm cho đến cuối đời. 

Trong số đó có quy tắc hài cốt hỏa táng của một phụ nữ đã kết hôn và chồng sẽ được chôn cất cùng nhau trong khu mộ tổ tiên của gia đình nhà chồng. Nhưng hiện nay, ngày càng có nhiều phụ nữ không muốn tuân theo tục lệ này. Dù là vì bất hòa với chồng hay vì muốn con cái đỡ vất vả và tốn kém chi phí cho việc tảo mộ, thì nó cũng khiến nhiều người tính đến chuyện ly hôn khi bạn đời không còn.

Ảnh: Wikipedia

Một cuộc khảo sát năm 2009 về việc sắp xếp mai táng của Viện Nghiên cứu Dai-ichi Life với câu hỏi: "Bạn muốn chôn cất với ai?", lựa chọn hàng đầu của 48,6% nam giới là mong muốn được chôn cất trong phần mộ của tổ tiên. Nhưng con số này chỉ là 29,9% ở phụ nữ (đối với tổ tiên bên nhà chồng).

Vào năm 2014, một viện nghiên cứu đã tiến hành cuộc khảo sát với đối tượng là người đã kết hôn ở độ tuổi 60 và 70, hỏi rằng liệu họ có tán thành ý kiến vợ và chồng nên được chôn cất cùng nhau. Tỷ lệ không đồng ý là 12,6% ở nam giới và gần gấp đôi - 23,1% ở nữ. Trong khi 64,7% nam giới cho biết họ muốn được chôn cất cùng vợ thì chỉ có 43,7% nữ giới - chưa đến một nửa - muốn được chôn cất cùng chồng.

Về cơ bản, những thay đổi trong thái độ cùng với sự gia tăng số phụ nữ độc lập về kinh tế và tinh thần, đã dẫn đến nhu cầu về các nghĩa trang chỉ dành cho phụ nữ ngày càng tăng.