Nguồn nhân lực ngành đóng tàu trước nguy cơ ‘chạm đáy’

Article

Nguồn nhân lực ngành đóng tàu trước nguy cơ ‘chạm đáy’


Nguồn nhân lực ngành đóng tàu trước nguy cơ ‘chạm đáy’

Nguồn nhân lực ngành đóng tàu trước nguy cơ ‘chạm đáy’

TTO - Đây là đánh giá của nhiều nhà chuyên môn cùng đại diện các doanh nghiệp đóng tàu tại buổi hội thảo 'Nhu cầu nguồn nhân lực ngành đóng tàu - thực trạng và giải pháp' được tổ chức tại Trường đại học Hàng hải Việt Nam ngày 15-4.

Nguồn nhân lực ngành đóng tàu trước nguy cơ ‘chạm đáy’ - Ảnh 1.

Quang cảnh hội thảo về nguồn nhân lực ngành đóng tàu tổ chức tại Trường đại học Hàng hải Việt Nam ngày 15-4 - Ảnh: TIẾN THẮNG

Ngành đóng tàu đang dần hồi phục khi nhiều doanh nghiệp liên tiếp nhận được đơn hàng mới với các đối tác và nhu cầu tuyển dụng nhân lực mới gia tăng nhưng hiện các trường đào tạo nghề đóng tàu phải "đốt đuốc" tìm sinh viên.

Người học quá ít, số ra trường chỉ đạt 10-20% nhu cầu

Theo báo cáo của khoa đóng tàu - Trường đại học Hàng hải Việt Nam, những năm gần đây, việc tuyển sinh ngành đóng tàu của trường này liên tục sụt giảm cả về số lượng lẫn chất lượng đầu vào.

Cụ thể, từ con số 395 sinh viên với điểm đầu vào cao nhất trường (20 điểm) tại thời điểm năm 2008 thì đến năm 2019, tổng số lượng sinh viên vào học tại khoa đóng tàu chỉ còn 13 sinh viên (giảm 97% so với năm 2008) dù điểm trúng tuyển chỉ bằng với điểm sàn của bộ là 14 điểm.

Nguồn nhân lực ngành đóng tàu trước nguy cơ ‘chạm đáy’ - Ảnh 2.

Nhiều chuyên gia và đại diện doanh nghiệp đóng tàu đánh giá nhân lực của ngành có nguy cơ thiếu trầm trọng - Ảnh: TIẾN THẮNG

Số lượng sinh viên tốt nghiệp hằng năm cũng liên tục sụt giảm, nếu như năm 2010 tổng số sinh viên tốt nghiệp là 339 sinh viên thì đến năm 2021 giảm xuống còn 38 sinh viên (giảm 87% so với năm 2010).

Dự báo, các năm từ 2022-2025 số lượng nhân lực ngành đóng tàu tốt nghiệp ra trường tại Trường đại học Hàng hải Việt Nam sẽ rất ít, chỉ từ 10-20 sinh viên/năm.

Trong khi đó, nhu cầu nhân lực kỹ sư đóng tàu các năm gần đây ở doanh nghiệp trong và ngoài nước đều liên tục gia tăng, trung bình khoảng 100 kỹ sư/năm.

Nói về nguyên nhân sụt giảm, PGS.TS Đỗ Quang Khải - trưởng khoa đóng tàu Trường đại học Hàng hải Việt Nam - cho rằng nhiều phụ huynh và học sinh hướng đến học các ngành kinh tế, công nghệ, còn các ngành kỹ thuật truyền thống thì không mấy quan tâm.

Ngoài ra, các thông tin tích cực về ngành đóng tàu trong nước đã "vắng bóng" trên các kênh tin tức chính thống.

Phải thuê lao động thời vụ vì khan hiếm nhân lực

Ông Nguyễn Hồng Việt - đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam - đánh giá ngành đóng tàu Việt Nam hiện nay quy mô vẫn còn rất khiêm tốn, chưa phát triển được mô hình đóng tàu chìa khóa trao tay. Năng lực về thiết kế của các nhà máy hầu như không có, phần lớn đang nhận gia công và sửa chữa.

Theo ông Việt, để phát triển ngành đóng tàu thì cần phải phát triển được đóng tàu biển quốc tế và hơn hết là cần sự vào cuộc của Chính phủ với cơ chế, chính sách để ngành bứt phá.

Bà Trần Thị Hồng Nhung - phó tổng giám đốc Công ty CP Nosco Shipyard - cho biết để đáp ứng được nhu cầu và tiến độ sửa chữa theo kế hoạch sản xuất trong năm 2022 cũng như các năm tiếp theo thì công ty đang cần tuyển dụng bổ sung thêm khoảng 500 - 700 người lao động và khoảng 200 kỹ sư, quản lý có trình độ.

Ngoài chế độ đãi ngộ về ăn ở, đưa đón đi lại…, mức lương đối với kỹ sư của công ty hiện dao động từ 15-30 triệu đồng/tháng. Với công nhân kỹ thuật và lao động phổ thông, mức lương cũng dao động trong khoảng 10 - 25 triệu đồng/tháng.

"Để giải quyết bài toán nhân lực, chúng tôi mong muốn phối hợp với các cơ sở đào tạo tiếp nhận sinh viên về thực tập tại nhà máy, có các học bổng hỗ trợ sinh viên và cam kết làm việc tại nhà máy sau tốt nghiệp" - bà Nhung đề xuất.

Theo đại diện Công ty đóng tàu Phà Rừng, thống kê của đơn vị trong ba năm qua cho thấy lao động chấm dứt việc làm và về hưu khoảng 130 người nhưng tuyển dụng vào chỉ có 35 - 40 người.

Nguồn nhân lực ngành đóng tàu trước nguy cơ ‘chạm đáy’ - Ảnh 3.

Đại diện Công ty đóng tàu Phà Rừng cho biết có thời điểm phải thuê lao động thời vụ vì áp lực tiến độ của các đơn hàng đã nhận - Ảnh: TIẾN THẮNG

Tại Công ty đóng tàu Phà Rừng, có giai đoạn gần 100 công nhân của công ty tự chấm dứt hợp đồng lao động, bỏ đi làm ở các khu công nghiệp.

"Nhiều thời điểm đơn hàng đóng tàu đòi hỏi tiến độ gấp, không thể tuyển được công nhân tay nghề cao nên chúng tôi phải thuê thêm lao động thời vụ, vừa mất thời gian đào tạo, lại ảnh hưởng lớn đến kế hoạch sản xuất" - đại diện Công ty đóng tàu Phà Rừng cho hay.