Nhật Bản cử chuyên gia hỗ trợ tu bổ chùa Cầu Hội An

Article

Nhật Bản cử chuyên gia hỗ trợ tu bổ chùa Cầu Hội An


Nhật Bản cử chuyên gia hỗ trợ tu bổ chùa Cầu Hội An

Nhật Bản cử chuyên gia hỗ trợ tu bổ chùa Cầu Hội An

Trước sự xuống cấp ngày một nghiêm trọng của di tích chùa Cầu - biểu tượng của phố cổ Hội An, Nhật Bản sẽ cử chuyên gia sang để hỗ trợ công tác tu bổ.

Chào mừng Năm du lịch quốc gia 2022 tại Quảng Nam, Ủy ban Nhân dân thành phố Hội An và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã ký kết "Hỗ trợ chuyên gia Nhật Bản về dự án tu bổ chùa Cầu".

Tham dự lễ ký kết có Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Đại Cương; Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân; Trưởng đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam Shimizu Akira.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân cho biết dự án tu bổ di tích chùa Cầu sẽ được tỉnh Quảng Nam triển khai thực hiện trong thời gian tới. Với tính chất đặc biệt là biểu trưng di sản văn hóa Hội An, biểu tượng cho tình hữu nghị lâu đời giữa Việt Nam - Nhật Bản nên việc tu bổ di tích chùa Cầu phải tiến hành hết sức thận trọng, cần có sự hỗ trợ của các nhà khoa học, các chuyên gia trong và ngoài nước, đặc biệt là kinh nghiệm từ Nhật Bản. 

Ảnh: VGP/Lưu Hương

Cũng theo ông, lễ ký kết "Hỗ trợ chuyên gia Nhật Bản về dự án tu bổ di tích Chùa Cầu" giữa TP. Hội An và Văn phòng JICA Việt Nam là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với kết quả khoa học tu bổ di tích, và đặc biệt hơn nữa là càng làm gắn kết chặt chẽ thêm mối quan hệ hữu nghị lâu đời giữa hai đất nước Việt Nam và Nhật Bản.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đề nghị UBND TP. Hội An phối hợp với các cơ quan thẩm quyền và Văn phòng JICA Việt Nam xúc tiến các thủ tục để sớm tiếp nhận chuyên gia từ Nhật Bản đến hỗ trợ tu bổ di tích chùa Cầu, dự kiến triển khai thi công vào giữa năm 2022.

Ảnh: Trịnh Bang Nhiệm/TTXVN

"Với sự hỗ trợ của các chuyên gia Nhật Bản về chuyên môn kỹ thuật và kinh nghiệm, chúng tôi chắc chắn rằng di tích chùa Cầu sẽ được tu bổ đạt kết quả tốt nhất. Những giá trị của di tích sẽ được bảo tồn một cách chân xác, toàn vẹn và đảm bảo bền vững lâu dài trong tương lai. Hy vọng rằng, tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ Nhật Bản trong công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trong thời gian tới", ông Trần Văn Tân cho biết.

Ông Shimizu Akira, Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam bày tỏ sự vui mừng khi dự án tu bổ di tích chùa Cầu đi đến ký kết biên bản thỏa thuận, khởi động dự án, đáp ứng niềm mong mỏi bấy lâu của nhiều người liên quan, đồng thời đánh dấu một bước tiến lớn của dự án.

Chùa Cầu Hội An. Ảnh: wikipedia

Theo Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam, công việc tu bổ chùa Cầu gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi kiến thức và chuyên môn kỹ thuật cao. JICA dự kiến sẽ hỗ trợ dự án tu bổ thông qua các hoạt động phái cử chuyên gia và tình nguyện viên Nhật Bản.

Theo hồ sơ tư liệu, chùa Cầu được người Nhật Bản xây dựng ở Hội An vào đầu thế kỷ 17. Trước sự bào mòn của thời gian cùng tác động của con người lẫn thiên tai, di tích hàng trăm năm tuổi này đang xuống cấp từng ngày. Câu chuyện về chùa Cầu còn gắn với Namazu, cá trê khổng lồ gây ra động đất tại Nhật Bản, hay Việt Nam còn gọi là Con Cù. Chùa Cầu được xây dựng mang hình dáng như thanh kiếm đâm xuống ngay sống lưng Namazu, khiến nó không thể quẫy đuôi gây ra động đất nữa.

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án đầu tư xây dựng công trình tu bổ di tích chùa Cầu với tổng cộng giá các gói thầu gần 17 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh Quảng Nam hỗ trợ 50%, ngân sách TP. Hội An bố trí 50%.

Lễ tái hiện lại đám cưới của Công nữ Ngọc Hoa và thương nhân Nhật Bản Sotaro Araki. 

UBND tỉnh Quảng Nam giao TP. Hội An (chủ đầu tư) chịu trách nhiệm tổ chức lựa chọn nhà thầu theo kế hoạch, đảm bảo theo đúng các quy định hiện hành.

2023 sẽ là năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam. Không chỉ là hai quốc gia có lịch sử ngoại giao tốt đẹp lâu đời, mà các tỉnh thành của mỗi quốc gia cũng là anh em kết nghĩa với nhau. Đơn cử như tỉnh Nagasaki và Hội An gắn bó với nhau bởi mối lương duyên giữa Công nữ Ngọc Hoa (hay Anio-san) và thương nhân Nhật Bản Sotaro Araki. Hàng năm, những hoạt động thúc đẩy văn hóa giữa hai nơi cũng được tổ chức.