Nhớ bà Nakamura Nobuko!
Nhớ bà Nakamura Nobuko!
Nhớ bà Nakamura Nobuko!
Là vợ nhà nông học nổi tiếng Lương Định Của, bà Nakamura Nobuko, người Nhật, gắn bó với Việt Nam bằng tình yêu, sự thủy chung, vượt lên mọi trở lực, mọi khoảng cách, mọi thử thách gian truân.
Số phận đã đưa hai con người đến với nhau, tạo nên mối tình đẹp, một gia đình đẹp và sự nghiệp có tầm vóc lớn của ông, với tất cả sự dấn thân cho khoa học của ông, đã tạo nên những mùa vàng, những hoa thơm, trái ngọt trên đồng ruộng Việt Nam. Khát vọng của ông như luôn vẫy gọi, luôn làm cháy lên ngọn lửa trong trái tim những người trẻ của các thế hệ nối tiếp.
Bà Nakamura Nobuko và chồng, nhà nông học Lương Định Của khi còn trẻ
Ông bà quen nhau khi ông là lưu học sinh của Trường Đại học Kyushu, ở Fukuoka, Nhật Bản. Bà lấy ông vào tháng 10-1945, lúc 22 tuổi, khi đang làm việc ở phòng thí nghiệm của Trường Đại học Kyushu. Ngày ấy, ông là một sinh viên nghèo, không có quà cưới tặng vợ, mẹ vợ đã đi chợ và tự tay nấu ăn cho đám cưới con mình. Năm 1946, ông lên Kyoto học ngành nông nghiệp, và tốt nghiệp loại ưu, bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ nông học - với luận án về di truyền tạo giống lúa mới. Ông là người thứ 94 toàn nước Nhật có học vị cao nhất ngành nông học tính từ thời Minh Trị cho tới lúc bấy giờ.
Từ chối đi nghiên cứu sinh ở Mỹ và lời mời làm việc ở Viện Nghiên cứu lúa thế giới IRRI để tìm cách về nước tham gia kháng chiến. Sau nhiều lần móc nối, năm 1952, ông đưa cả gia đình về Sài Gòn và năm 1954 tập kết ra Bắc. Từ đấy, bà thấu hiểu nỗi khổ của người nông dân Việt Nam và trải qua cuộc sống khó khăn của thời tem phiếu, sơ tán, bom đạn của chiến tranh...
Những năm trên đất Bắc, ông làm việc ở Trường Đại học Nông nghiệp, rồi làm Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây lương thực và cây thực phẩm Bộ Nông nghiệp, có những năm làm việc ở tỉnh Thanh Hóa. Còn bà thì làm việc ở Đài Tiếng nói Việt Nam, dịch và đọc tiếng Nhật, trả lời thư của thính giả Nhật và giới thiệu về Việt Nam. Bà hay nhắc rằng vẫn còn nhớ như in buổi phát thanh ngày 30-4-1975, lúc ấy bà đã đọc với cảm xúc dâng trào: “Chiến dịch Hồ Chí Minh đã thắng lợi hoàn toàn! Thành phố Sài Gòn được hoàn toàn giải phóng!”.
Ngày giải phóng, ông đã vào tới Lâm Đồng và kịp có mặt ở Sài Gòn trong niềm vui chiến thắng. Sau đó, ông còn có những chuyến đi đến Cần Thơ để chuẩn bị triển khai kế hoạch phát triển nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long. Khi chỉ còn 2 ngày nữa là đưa cả gia đình vào Nam, ông bị nhồi máu cơ tim và đột ngột qua đời vào ngày 28-12-1975 tại Hà Nội. Sau khi an táng cho ông, bà đưa các con vào Sài Gòn. Lúc đầu bà làm việc ở Sở Ngoại thương, trong hoàn cảnh bị cấm vận, bà về Nhật lập công ty để giúp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa, có thêm ngoại tệ, nhập nguyên vật liệu, góp phần phục hồi và phát triển sản xuất công nghiệp cho thành phố. Trong 5 người con của ông bà, có 3 người theo ngành nông nghiệp, ai cũng hiền lành, ít nói công trạng của cha, ít nói về mình, luôn giữ lòng tự trọng, sự tử tế và luôn sợ làm phiền người khác.
Do tuổi cao nên khoảng 10 năm rồi bà đã không về Nhật, thăm xứ sở tươi đẹp của mình với những mùa hoa anh đào. Còn quê chồng ở Đại Ngãi, Sóc Trăng cũng không đi được nữa.
Bà luôn cho rằng sống ở Việt Nam rất dễ chịu, người Việt Nam rất dũng cảm và thông minh, không kỳ thị với người nước ngoài. 30 năm làm vợ của Tiến sĩ nông học Lương Định Của, bà thấy hợp nhau từng lời nói, ông luôn chia sẻ công việc với bà, quan tâm chăm sóc con cái, luôn động viên bà phải tận tâm, tận lực học thêm ngoại ngữ. Bà khâm phục ông vì ông không chỉ giỏi chuyên môn mà còn thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật và biết chút ít tiếng Quảng Đông.
Bà luôn tự hào về ông, người đã đi tiên phong trong lĩnh vực khoa học thực nghiệm nông nghiệp, hướng dẫn đắp bờ thửa, cấy lúa thẳng hàng để có năng suất cao, tác giả của nhiều giống lúa phù hợp với thổ nhưỡng, rồi khoai lang, đu đủ, dưa lê, xương rồng, rau muống, dưa hấu không hạt..., đóng góp phát triển nền nông nghiệp Việt Nam trong một giai đoạn rất khó khăn.
Tên tuổi bà đã gắn liền với tên tuổi ông, một nhà bác học lăn lộn trên đồng ruộng, tạo ra những giống lúa mới giúp hậu phương miền Bắc đạt kỷ lục 5 tấn lúa trên một héc ta lúc bấy giờ. Ông được phong tặng Anh hùng Lao động năm 1976, Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 1996. Nhiều trường học, con đường mang tên ông trên mọi miền đất nước. Đặc biệt là các con cháu trong nhà đã thấy ông bà như huyền thoại, như chuyện cổ tích và là tấm gương hết sức gần gũi, thân thương.
Bà cho rằng cuộc đời mình luôn cảm thấy hạnh phúc bởi có niềm tin đối với bản thân và luôn sống lạc quan. Bà rất thích câu ngạn ngữ của người Nhật: “Gió thổi ngày mai khác với hôm nay”. Lúc còn khỏe bà hoạt động cho Giải thưởng Lương Định Của, giải thưởng do Trung ương Đoàn sáng lập năm 2006 để trao cho thanh niên nông thôn - những tấm gương tiêu biểu trong lao động, sáng tạo hàng năm. Theo bà, tuổi trẻ phải hiểu lịch sử, hiểu chiến tranh mới thấu hiểu giá trị của hòa bình.
Trong một lần gặp bà, bà nói mình sẽ đi theo quỹ đạo cuộc đời mà ông đã trải và mong sẽ đón nhau ở ga cuối cùng. Ôi! Một mối tình đẹp, lãng mạn và hứa hẹn thủy chung cả ở bên kia thế giới.
Hai năm nay bà đã yếu đi nhiều nhưng vẫn còn minh mẫn và nhận biết con cháu. Giờ thì bà đã về với ông khi vừa bước qua tuổi 100. Xin kính tiễn bà Nakamura Nobuko - một hình ảnh chân phương và thật đẹp.
PHẠM PHƯƠNG THẢO