Phân biệt đối xử với người nước ngoài đã nhập tịch tại các CLB golf Nhật Bản

Article

Phân biệt đối xử với người nước ngoài đã nhập tịch tại các CLB golf Nhật Bản


Phân biệt đối xử với người nước ngoài đã nhập tịch tại các CLB golf Nhật Bản

Phân biệt đối xử với người nước ngoài đã nhập tịch tại các CLB golf Nhật Bản

Nguồn: KILALA

Tuy đã nhập quốc tịch Nhật Bản, một người đàn ông có cha mẹ là người Hàn Quốc đã bị từ chối kết nạp thành viên tại một câu lạc bộ golf đặc quyền ở tỉnh Gifu với lý do "suất dành cho thành viên không phải người Nhật đã hết". 

Một người đàn ông U40 sống tại Kuwana, tỉnh Mie, hiện đang điều hành một công ty dịch vụ dọn dẹp vệ sinh đã đăng ký làm thành viên của CLB golf đặc quyền Aigi Country. Ông đã nộp bản sao hộ khẩu gia đình theo quy định của CLB, trong đó ghi rõ trước khi nhập tịch Nhật vào năm 2018, ông mang quốc tịch Hàn Quốc.

Câu lạc bộ golf Aigi Country. Ảnh: Asahi 

Ba ngày sau khi nộp đơn, vào ngày 20/02, người đàn ông nhận được một cuộc điện thoại của Giám đốc CLB thông báo ông không được gia nhập. 

Giải thích vấn đề trên, đại diện của Aigi Country cho biết: “Câu lạc bộ giới hạn số lượng thành viên, cụ thể là công dân nước ngoài và người nước ngoài đã nhập tịch Nhật Bản, cùng với quy định hạn chế số lượng thành viên mới. Hiện tại, chúng tôi không còn chỗ trống”. 

Sân golf tại CLB Aigi Country. Ảnh: ameblo.jp

Bất bình trước quyết định của CLB, vào tháng 03/2022, người này thông qua luật sư của mình đã gửi văn bản đến CLB, yêu cầu xin lỗi và bồi thường mức phí 3 triệu yên (khoảng 530.000.000 VND) vì cho rằng việc này là hành động phân biệt đối xử vô căn cứ. Đồng thời, ông cũng gửi văn bản đến Hội đồng Luật sư tỉnh Mie để giải quyết việc mình bị vi phạm nhân quyền.

Quy định phân biệt thành viên tại CLB Aigi Country 

Được thành lập vào tháng 07/1964, CLB golf đặc quyền Aigi Country tại Kani, tỉnh Gifu được xếp hạng 4 trong số các câu lạc bộ golf đặc quyền của tỉnh. Là một CLB có tiếng, Aigi Country từng tổ chức các cuộc thi được bảo trợ bởi Hiệp hội Golf Nhật Bản, từng là nơi diễn ra các sự kiện golf dành cho phái đẹp trong suốt Đại hội thể thao toàn quốc ở Gifu vào năm 2012. 

Chia sẻ với Asahi, Giám đốc điều hành Masakatsu Ito cho biết câu lạc bộ hiện đang có khoảng 1.500 thành viên. Họ có quy định giới hạn số lượng thành viên dưới 20 người với đối tượng là công dân nước ngoài và người nước ngoài đã nhập tịch Nhật Bản. Ông Ito cho biết thành viên mới chỉ được kết nạp khi có chỗ trống. 

clb aigi country thành lập vào năm 1964

CLB golf Aigi Country được thành lập vào năm 1964. Ảnh: aigi-country

Cụ thể, “Những quy định như vậy nhằm tạo nên một câu lạc bộ golf riêng tư (private club)." Nhiều người Nhật cho rằng bầu không khí sẽ thay đổi ít nhiều khi có người nước ngoài xuất hiện. "Vì các quy tắc đã được đề ra từ rất lâu nên không dễ đưa ra một câu trả lời rõ ràng”, Ito nói thêm.

Khi được hỏi tại sao những người nước ngoài đã nhập tịch cũng bị xếp vào danh sách thành viên không phải là người Nhật, ông Ito lý giải: “Đó là cách chúng tôi vẫn luôn vận hành, là quy định thông thường, nên tôi hy vọng mọi người có thể thấu hiểu”. 

Các nhân viên của CLB cho biết thêm, những quy tắc về xét duyệt thành viên tuy không được ghi chép rõ ràng trong văn bản nhưng đã được truyền lại qua nhiều năm và trở thành quy định của Aigi Country. 

Không phải trường hợp duy nhất

Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại Nhật Bản đã thực hiện một cuộc khảo sát với 1.794 thành viên của các CLB golf trên cả nước vào năm 1994 để tìm hiểu xem trong yêu cầu xét duyệt thành viên có quy định về quốc tịch hay không. 

Theo kết quả thu được từ 821 người khảo sát, có 170 câu lạc bộ golf có một số giới hạn nhất định, như chỉ chấp nhận thành viên là công dân Nhật Bản. 

Một công chức tại văn phòng này cho biết vẫn chưa có số liệu chi tiết về tình hình kết nạp thành viên mới của các câu lạc bộ golf hiện tại, vì dữ liệu không được thu thập kể từ năm 2010 đến nay. 

Nhiều câu lạc bộ golf Nhật Bản phân biệt quốc tịch khi xét duyệt thành viên. Ảnh: The Japan Times 

Asahi đã khảo sát thông tin trực tuyến về yêu cầu kết nạp thành viên tại các CLB golf, kết quả cho thấy nhiều nơi từ chối những người không mang quốc tịch Nhật.

Một nhân viên của CLB golf ở Tokyo chia sẻ: “Một số sân golf được xếp hạng cao vẫn còn quy định về quốc tịch, thậm chí nhiều nơi còn hạn chế thành viên là người nước ngoài đã nhập tịch Nhật Bản. Họ vẫn cố gắng giữ quy định để tạo nên câu lạc bộ golf đặc quyền”. 

Một công chức của Hiệp hội golf Nhật Bản cho biết: "Hiệp hội chưa bao giờ thể hiện quan điểm với quy định về quốc tịch ở những câu lạc bộ golf này”. 

Những thay đổi dần xuất hiện

Vào tháng 03/1995, Tòa án Tokyo đã từng đưa ra phán quyết cho vụ kiện liên quan đến việc một công ty điều hành CLB golf ở Tokyo đã từ chối yêu cầu đăng ký thành viên của một công dân Hàn Quốc vì lý do quốc tịch. Tòa kết luận việc làm trên đã đi ngược lại với tinh thần của Điều 14 trong Hiến pháp, quy định rõ mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. 

Còn trong một vụ kiện khác vào tháng 05/2001, Tòa án Tokyo đã bác đơn kiện của một nguyên đơn là người Triều Tiên. Nội dung của phán quyết như sau: “Không thể nói rằng quyền bình đẳng bị xâm phạm khi CLB golf, một tổ chức tư nhân, hạn chế tuyển thành viên dựa trên quốc tịch”. Phán quyết này đã được giữ nguyên ở phiên tòa của Tòa án Cấp cao Tokyo vào năm 2002.

Một số người trong lĩnh vực golf cho rằng các quy định giới hạn xét duyệt thành viên đang dần thay đổi, khi đạo luật chống hate speech (các lời nói thù hằn hoặc hành vi xúi giục phân biệt đối xử nhắm đến các nhóm sắc tộc hoặc một số nhóm khác) ra đời. 

Một quản lý của CLB golf ở vùng Tokai cho biết: “Các CLB golf đang chịu áp lực phải giải quyết các vấn đề về quyền con người, không chỉ riêng vấn đề quốc tịch”. Người này nói thêm rằng CLB nơi ông làm việc (đã hoạt động hơn bốn thập kỷ) cũng ngừng việc xét duyệt thành viên dựa trên quốc tịch vài năm trước. 

Ngoài ra, người này dẫn chứng thêm về câu lạc bộ golf Kasumigaseki Country tại Kawagoe, tỉnh Saitama, địa điểm tổ chức thi đấu golf trong Thế vận hội Olympic Tokyo năm ngoái. 

Câu lạc bộ golf Kasumigaseki Country. Ảnh: kasumigasekicc.or.jp

Uỷ ban Olympic quốc tế (IOC) đã kêu gọi Kasumigaseki Country xem xét lại việc từ chối thành viên là phụ nữ vì nó đi ngược lại với các điều lệ của Olympic. Cuối cùng, CLB đã quyết định bãi bỏ quy định này.

Ông Ryusuke Kin của Hiệp hội Luật sư Tokyo nhấn mạnh rằng: “Tại Mỹ và nhiều nơi khác, các câu lạc bộ golf phân biệt đối xử về chủng tộc và giới tính sẽ mất đi cơ hội được đăng cai tổ chức các cuộc thi”. 

Ông Kin đã viết về vấn đề phân biệt quốc tịch tại các CLB golf Nhật Bản trong cuốn sách “Ethnic Koreans in Japan as seen in lawsuits”, tạm dịch “Người Triều Tiên tại Nhật qua các vụ kiện”, được biên tập và hiệu đính bởi Hiệp hội luật sư Zainichi Hàn Quốc. 

Ông chia sẻ: “Một vấn đề nổi cộm tại nhiều CLB golf ở Nhật là vẫn tồn tại các quy định từ chối thành viên mang quốc tịch không phải Nhật Bản. Hơn nữa, việc vạch rõ một người không phải là người Nhật trong quá khứ là một hành vi vi phạm nhân quyền rất rõ ràng. Thế giới golf Nhật cần phải chấn chỉnh lại vấn đề này."