Quán cà phê chỉ dành cho những cây bút chạy deadline

Article

Quán cà phê chỉ dành cho những cây bút chạy deadline


Quán cà phê chỉ dành cho những cây bút chạy deadline

Quán cà phê chỉ dành cho những cây bút chạy deadline

Tại Koenji, quận Suginami, Tokyo xuất hiện một quán cà phê độc nhất vô nhị vì nhân viên sẽ không để khách hàng về nhà cho đến khi họ hoàn thành mục tiêu viết lách trong ngày. 

Viết là một quá trình sáng tạo miệt mài, và với nhiều cây bút, thật khó để có thể tìm được cảm hứng nếu phải ngồi tại bàn làm việc trong không khí ngột ngạt của văn phòng. Đó là lý do mà nhiều nhà văn, những người sáng tạo nội dung thường thích hoàn thành công việc viết lách trong môi trường mới mẻ, chẳng hạn như tại một quán cà phê.

Quán Manuscript Writing Cafe. Ảnh: @TakuyaKawai

Tuy nhiên, việc này lại tiềm ẩn một vấn đề. Đó là quán cà phê được thiết kế để phục vụ các vị khách đến thư giãn, chính trong không gian đó, bạn khó mà làm việc hiệu quả được. Nhất là khi ngó nghiêng xung quanh, bạn dễ thấy những vị khách khác đang nhâm nhi tách cà phê mà không phải bận tậm bất kỳ điều gì liên quan đến công việc. 

Thấu hiểu điều này, quán cà phê có tên “Manuscript Writing Cafe” đã ra đời với mục tiêu trở thành nơi làm việc hiệu quả cho những ai cần không gian viết lách. 

Khai trương vào ngày 06/04, Manuscript Writing Cafe được điều hành bởi một nhóm làm nghề viết, và được thiết kế dành riêng cho các nhà sáng tạo nội dung đang chạy deadline. Điều đặc biệt là một khi đã bước vào quán, bạn phải cố gắng hoàn thành công việc, nếu không họ sẽ không cho bạn ra về. 

Quán cách ga Koenji 5 phút đi bộ. Ảnh: @TakuyaKawai

Trước khi ngồi vào bàn, khách hàng cần thông báo với nhân viên sẽ viết loại nội dung gì, chẳng hạn như tiểu thuyết, tạp chí, kịch bản. Ngoài ra, định nghĩa về công việc viết lách của quán cũng rất rộng, đủ để bạn dù làm ngành nghề gì liên quan đến viết cũng có thể ngồi ở quán: biên dịch, biên tập viên, copywriter, proof-reader (người đọc và sửa bản in thử), người lên storyboard cho manga...

Quy định 2: chủ quán kiểm tra tiến độ bản thảo của bạn mỗi tiếng . Quy định 3: không thể rời quán nếu chưa hoàn thành bản thảo. Ảnh: spoon-tamago.com

Thêm vào đó, khách hàng cũng cần nói rõ mục tiêu viết trong ngày là gì, như số lượng từ, số trang tài liệu cần biên dịch, số trang tài liệu cần chỉnh sửa... 

Sau đó, bạn sẽ nhận chỗ ngồi được trang bị đầy đủ ổ cắm điện, bộ sạc nhanh, đế tản nhiệt cho máy tính, mật khẩu wifi của quán và bắt đầu công việc viết. 

Không gian bên trong quán cà phê. Ảnh: spoon-tamago.com

Mỗi giờ, nhân viên của quán sẽ đến kiểm tra xem bạn đã hoàn thành bao nhiêu phần trăm công việc theo mục tiêu đề ra ban đầu. Đặc biệt, khách có thể yêu cầu nhân viên gây áp lực cho mình bằng lời nói theo mức độ từ nhẹ, trung bình đến cao. 

Thời gian ngồi ở quán càng lâu, khách sẽ trả phí càng cao. Cụ thể, 30 phút đầu tiên là 150 yên (khoảng 27.000 VND), 1 tiếng là 300 yên (khoảng 54.000 VND) và 6 tiếng sẽ là 1.800 yên (khoảng 300.000 VND). 

Tuy nhiên, nếu chưa hoàn thành được mục tiêu, nhân viên sẽ không cho bạn thanh toán và rồi bạn khó lòng mà về được nhà. Do vậy, hãy thật cẩn trọng, không nên quá tham vọng kẻo sẽ bị giữ lại ở quán Manuscript Writing Cafe!

Quán trang bị đầy đủ từ cục sạc đến đế tản nhiệt máy tính và wifi cho khách hàng. Ảnh: @TakuyaKawai

Thực đơn của quán khá đơn giản với cà phê pour-over bên cạnh nước uống, với giá phải chăng. Bạn cũng hoàn toàn được phép mang theo đồ ăn và thức uống riêng đến quán. 

Mặc dù không thể rời khỏi quán cho đến khi hoàn thành mục tiêu viết lách, nhưng bạn hoàn toàn có thể đi đến cửa hàng tiện lợi bên kia đường để mua đồ ăn nhẹ hoặc đặt đồ ăn giao tới qua các dịch vụ như Uber Eats hay Demaekan. 

Một lưu ý là quán cà phê này không mở cửa mọi ngày và thường chỉ hoạt động từ 13h đến 19h. Lý do bởi đây cũng là một studio thu âm và phát thanh có tên Koenji Sankakuchitai, chỉ khi nào studio trống lịch thì quán cà phê mới hoạt động.

Lịch mở cửa của quán được đăng tải lên website chính thức koenji-sankakuchitai.blog.jp, cụ thể ngày mở cửa tiếp theo của quán là vào ngày 20/04. 

Với ý tưởng độc đáo, ngay từ khi khai trương, Manuscript Writing Cafe đã thu hút sự quan tâm đặc biệt từ nhiều người. Chủ quán Takuya Kawai đã đăng thông tin khai trương quán lên tài khoản Twitter cá nhân @TakuyaKawai vào ngày 06/04, bài đăng nhanh chóng "bùng nổ" trên mạng xã hội Nhật Bản.