Quấy rối thai sản gây áp lực lên các nữ thực tập sinh Việt

Article

Quấy rối thai sản gây áp lực lên các nữ thực tập sinh Việt


Quấy rối thai sản gây áp lực lên các nữ thực tập sinh Việt

Quấy rối thai sản gây áp lực lên các nữ thực tập sinh Việt

Nguồn: KILALA

Mưu sinh nơi đất khách quê người, các thực tập sinh phải chịu vô số áp lực, đặc biệt là thực tập sinh nữ, vì có thai sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến công việc và khiến họ có nguy cơ thất nghiệp. 

Khoảng 1 năm trước, dư luận Nhật - Việt đều đau lòng trước câu chuyện nữ thực tập sinh người Việt bị kết án 3 tháng tù giam và 2 năm tù treo vì không khai báo việc bỏ song thai chết lưu. Tại Nhật, nếu vứt bỏ thi thể mà không báo cáo, chôn cất tử tế là hành vi phạm pháp.

Nữ thực tập sinh đã kháng cáo lên Tòa án Tối cao, và cho biết phán quyết sẽ khác nếu thẩm phán biết hoàn cảnh của các thực tập sinh nước ngoài.

Nữ thực tập sinh phát biểu trong cuộc họp báo sau phán quyết của tòa án cấp cao vào ngày 19/01/2022. Ảnh: Kyodo News

Thực trạng của các thực tập sinh nữ tại Nhật

Giống như nhiều người khác có cuộc sống khó khăn, mang theo ước mơ kiếm tiền nơi đất khách, nữ thực tập sinh này cũng phải vay mượn một khoản tiền 14.000 USD (khoảng 321 triệu đồng) để có thể chi trả chi phí đi lại và phí dịch vụ khi sang Nhật vào năm 2018. 

Từ khi đặt chân đến Nhật Bản, cô đã làm việc trong một trang trại trồng cam ở tỉnh Kumamoto. Tính trung bình, thu nhập của nữ thực tập sinh rơi vào khoảng 1.400 USD mỗi tháng thì cô phải dành 1.100 – 1.200 USD trong số đó để trả nợ và gửi về cho gia đình.

Để có thể sang Nhật, các thực tập sinh đã phải bỏ ra một khoản chi phí lớn. Ảnh: yourbright.jp

Luật lao động Nhật Bản nghiêm cấm việc đối xử bất công với công nhân đang mang thai. Cụ thể, phụ nữ khi có thai được phép nghỉ 6 tuần trước khi sinh và 8 tuần sau khi sinh. Đồng thời, luật cũng đề cập đến việc nghiêm cấm sa thải người lao động (cả người Nhật lẫn người nước ngoài) khi họ mang thai.

Tuy nhiên, nữ thực tập sinh cho biết cô không được phía trang trại và cả bên trung gian phổ biến thông tin này. Bên cạnh đó, cô biết có nhiều trường hợp đã bị buộc trở về nước do mang thai.

Chính vì thế, khi biết mình có thai vào năm 2020, cô không dám nói với ai chuyện này vì còn món nợ chưa trả xong và gia đình ở quê đang chờ cô gửi tiền về. Đến ngày 15/11/2020, khi đang làm việc, cô cảm thấy đau bụng và sau đó tự sinh ra một cặp bé trai, nhưng thai đã chết lưu.

Bức thư nữ thực tập sinh để cùng thi hài hai đứa con của cô. Ảnh: Kyodo News

Cô đặt tên cho hai cậu con trai của mình là Khôi và Cường, đồng thời gửi lời xin lỗi vì đã không giữ được con. Lá thư cùng thi thể hai đứa bé được quấn trong khăn tắm, đặt vào hộp các tông và dán kín, cất gọn ở trong phòng. Mọi chuyện bị bại lộ sau khi cô nói về điều này khi đến khám ở bệnh viện. Cô bị bắt ngay sau đó.

Trong phiên tòa, luật sư Hiroki Ishiguro, người đứng đầu đội bào chữa, cho biết nữ thực tập sinh đã niêm phong hộp để cặp song sinh không "cảm thấy lạnh", ngay cả khi cô đang chịu đau đớn về thể chất và tinh thần vì chảy nhiều máu sau sinh. Vì vậy không thể kết tội rằng cô bỏ rơi con của mình. 

Luật sư Hiroki Ishiguro (ngoài cùng bên phải) phát biểu trong một cuộc họp báo ở Kumamoto. Ảnh: Kyodo News

Luật sư bào chữa cho biết thêm rằng việc bị cô lập khi sinh con là tình trạng khó khăn chung của nhiều thực tập sinh nước ngoài làm việc tại các công ty và trang trại ở Nhật Bản theo chương trình đào tạo kỹ thuật do chính phủ tài trợ. Những người lao động như vậy hầu hết được giám sát bởi các tổ chức trung gian của Nhật Bản.

Tòa án cấp cao Fukuoka đã bác bỏ lập luận bào chữa, phán quyết rằng việc đặt thi thể trong hộp kín là để che giấu việc mang thai nhằm cố gắng tiếp tục làm việc tại Nhật.

"Nếu thẩm phán hiểu tôi và các thực tập sinh kỹ thuật khác phải chịu đựng như thế nào, chúng tôi sợ người sử dụng lao động và các cơ quan giám sát của mình ra sao, thì có lẽ kết quả sẽ khác", cô nói trong một cuộc họp báo được tổ chức tại Kumamoto, vào tháng Hai.

Tuy nhiên, việc kháng cáo đối với phía nữ thực tập sinh cũng chỉ là hi vọng mong manh. Nhóm bào chữa lo ngại rằng khi ghế thẩm phán chỉ toàn nam giới, liệu họ có thể hiểu được gánh nặng của việc sinh con hay không. Chỉ có 2 trong số 15 thẩm phán của tòa án là phụ nữ, và 5 trong số 15 thẩm phán từng xét xử vụ án tương tự.

Những người ủng hộ đang vận động xin chữ ký tại Fukuoka để yêu cầu tòa tha bổng cho nữ TTS. Ảnh: Kyodo News

Nhóm bào chữa đã trưng cầu ý kiến của các bà mẹ, bác sĩ sản khoa, các nhà hoạt động tôn giáo và cộng đồng rằng liệu việc làm của nữ thực tập sinh có phải là hành vi thiếu tôn trọng người chết hay không và đệ trình kết quả lên tòa án vào ngày 11/4. Tính đến ngày 20/04, vụ việc của nữ thực tập sinh người Việt đã thu được 80.000 chữ ký ủng hộ.

Quấy rối thai sản – vấn đề nhức nhối tại Nhật

Tại Nhật có một thuật ngữ “Matahara - マタハラ” nghĩa là Quấy rối thai sản. Một hình thức bắt nạt một người đang nghỉ thai sản bằng những lời nói như “Chúng tôi quá bận nên bạn không thể đi nghỉ được”, “Đừng trở thành gánh nặng cho công ty” hoặc cách chức, cho họ nghỉ việc.

Theo tổ chức phi lợi nhuận YWCA Kumamoto chuyên hỗ trợ thực tập sinh kỹ thuật, tình trạng quấy rối thai sản không phải là hiếm. Thực trạng này không chỉ ảnh hưởng đến người lao động nữ Nhật Bản mà cả đối với người nước ngoài. Một phụ nữ đã nhận được tin nhắn giận dữ từ một tổ chức trung gian và bị đuổi khỏi nhà sau khi chia sẻ việc cô ấy mang thai.

Ảnh: The Times

Bà Yukiko Kaikita, đại diện YWCA Kumamoto chia sẻ: "Bị đối xử như tội phạm sau khi sinh con là lỗi của người phụ nữ sao? Điều này cũng cho thấy vấn đề bất bình đẳng giới vẫn còn nặng nề ở Nhật Bản. Nữ thực tập sinh Việt Nam này cũng như nhiều người phụ nữ khác đang phải gánh chịu những bất công chưa được giải quyết trong xã hội Nhật Bản."

Giáo sư Masako Tanaka của Đại học Sophia cho biết, để ngăn các thực tập sinh hoặc sinh viên nước ngoài bị cô lập khi mang thai, nhân viên tại các tổ chức trung gian, chính quyền thành phố, trường dạy tiếng Nhật và tổ chức khác cần có những biện pháp để hỗ trợ họ.

Trong cuộc khảo sát về người nhập cư vào Nhật Bản, được thực hiện từ tháng 06/2020 – 09/2021, chỉ 18% trong số 290 phụ nữ được hỏi cho biết rằng đã được thông báo về những hạn chế trước khi đến Nhật Bản, chẳng hạn như phải trở về nước nếu họ mang thai. Trong khi 19% trong số 161 phụ nữ có bạn trai từng mang thai ngoài ý muốn.

Việc mua các loại thuốc cũng đắt đỏ và khó khăn tại Nhật. Ảnh: Live Japan

Tanaka cho biết vấn đề không chỉ bắt nguồn từ ngôn ngữ mà còn là sự khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ phá thai và tránh thai an toàn ở Nhật Bản. Thuốc tránh thai và vòng tránh thai không dễ mua được ở Nhật Bản, cần phải có đơn thuốc từ bác sĩ và chúng có giá từ 6.000 yên - 20.000 yên (khoảng 1.000.000 đồng - 3.500.000 đồng).

Trường hợp của nữ thực tập sinh người Việt cho thấy "một vấn đề nghiêm trọng liên quan đến quyền và sức khỏe sinh sản" - Tanaka nói, đồng thời cho biết thêm rằng việc giải quyết những vấn đề như vậy sẽ không chỉ giúp ích cho cư dân nước ngoài mà còn có ý nghĩa quan trọng với tất cả phụ nữ ở Nhật Bản.

Shoichi Ibusuki, người đồng đứng đầu một nhóm luật sư chuyên giải quyết các vấn đề mà thực tập sinh nước ngoài gặp phải, cho biết chương trình đào tạo kỹ thuật cho lao động nước ngoài hiện đang tồn đọng nhiều vấn đề.

Theo Bộ Tư pháp, có 354.104 thực tập sinh nước ngoài ở Nhật Bản, tính đến cuối tháng 06/2021, trong đó 42% là phụ nữ. Tổng cộng 637 phụ nữ đã ngừng làm việc do mang thai hoặc sinh con trong khoảng thời gian từ tháng 11/2017 – tháng 12/2020, và chỉ 11 người trong số họ đã trở lại làm việc, một cuộc khảo sát của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi cho thấy.

Ảnh: istock

Nhưng 637 phụ nữ chỉ là phần nổi của tảng băng chìm vì có những thực tập sinh bị buộc phải về nước do mang thai nhưng không được công bố, Ibusuki nói.

"Tôi cũng được hỏi ý kiến về những trường hợp mang thai như vậy và con số này cao bất thường. Dù Bộ Tư pháp lặp lại nhiều lần trong một thông báo rằng họ (thực tập sinh) được tự do thụ thai hoặc sinh con, họ vẫn bị buộc phải về nước", ông nói.

"Các công ty vừa và nhỏ cũng như một số công ty lớn ở Nhật Bản thường sa thải phụ nữ do mang thai. Điều này càng khắc nghiệt hơn đối với những thực tập sinh, vốn có vị thế yếu. Đó là sự phân biệt đối xử kép khi vừa là người nước ngoài, vừa là một phụ nữ", luật sư chia sẻ thêm.

Ibusuki cho biết anh từng gặp những trường hợp các công ty môi giới đưa thực tập sinh sang Nhật Bản cấm họ mang thai, sinh con hoặc thậm chí tiếp xúc với người Nhật để ngăn cản các mối quan hệ có thể tiến xa hơn.