Số lượng trẻ tự tử tại Nhật Bản tăng lên con số kỷ lục 499 trong năm 2020

Article

Số lượng trẻ tự tử tại Nhật Bản tăng lên con số kỷ lục 499 trong năm 2020


Số lượng trẻ tự tử tại Nhật Bản tăng lên con số kỷ lục 499 trong năm 2020

Satoki Tsuyuri lượt dịch

Số lượng trẻ tự tử tại Nhật Bản tăng lên con số kỷ lục 499 trong năm 2020. Rõ ràng trẻ em không đột nhiên muốn tự tử. Luôn có một lý do nào đó như đánh mất hy vọng vào cuộc sống, đau khổ vì không thể vượt qua những lỗi lầm nhỏ… Xu hướng trẻ tự tử gia tăng cho thấy “năng lực giải quyết khó khăn” yếu đi và nguyên nhân đằng sau đó là trẻ mất đi hoạt động vui chơi để thể nghiệm cuộc sống.

Trẻ con cần có thời gian, không gian và bạn bè để tự do chơi đùa. Có ý kiến ​​cho rằng sự mất mát ba yếu tố này là nguyên nhân khiến trẻ em dần dần bỏ chơi, không còn biết chơi. Những trò chơi tự do, đôi khi mạo hiểm và mạnh bạo là trường học tự nhiên rèn luyện thể chất và trí não. Nhưng nó đang dần mất đi. Trẻ em bị tước đi thời gian rảnh rỗi vì các lớp học thêm. Các con đường được trải nhựa, xe chạy nhanh và chơi bên lề đường trở nên nguy hiểm. Mỗi nhà đều ít anh em nên không còn cơ hội tụ tập chơi theo nhóm với độ tuổi khác nhau…

Nhưng liệu có đúng vậy? Đây có thể là ba điều kiện cần nhưng chưa đủ để giải thích việc trẻ không còn chơi nữa. Nếu một đứa trẻ thực sự muốn chơi, nó có thể chơi cả trong không gian nhỏ hẹp và tranh thủ bất cứ khoảng trống thời gian ngắn ngủi nào. Và khi trò chơi vui thì bạn bè tự nhiên sẽ có.

Hãy thử xem trẻ em trước kia chơi như thế nào. Thế hệ của tôi hầu hết là tự mình làm đồ chơi. Vào lớp một đã đòi bố mua cho một bộ đồ mộc với dùi, bào, kéo cắt được tôn… và tự tay mình làm đủ thứ đồ chơi. Thời tôi làm gì có công viên cho trẻ. Chỉ có đường xá, đồng cỏ, bãi sông, ruộng đồng, suối lạch, triền đê, gầm cầu, nhà hoang… Muốn chơi ở đó thì chỉ có hai cách là sáng tạo ra những trò chơi tận dụng tối đa những gì có sẵn, hoặc là tạo ra những đồ chơi phù hợp. Cách làm đồ chơi được lứa trước truyền cho lứa sau…

Thời đó, lúc nào chúng tôi cũng có con dao gập đút trong túi, dùng để cắt cành cây, gọt cắt gỗ. Bây giờ, đứa trẻ nào thường xuyên mang dao thì không biết sẽ bị nói đến thế nào.

Thực ra, nhiều cá nhân xuất chúng đại diện cho nền công nghiệp chế tạo Nhật Bản như Matsushita hay Honda đều bộc lộ tài năng nhờ những sáng tạo và nỗ lực trong cuộc sống hơn là trong nhà trường. Nền tảng thúc đẩy hiện đại hoá Nhật Bản từ thời Minh Trị là những con người luôn mang tinh thần người thợ không ngừng theo đuổi sáng tạo. Động cơ, ý chí của họ được tôi luyện trong cuộc sống và đặc biệt là trong những trò chơi.

Nhiếp ảnh gia Miyahara, người từng chụp hàng vạn bức ảnh trẻ em từ cuối những năm 1960 cho biết những trò chơi mạnh bạo, khoáng đạt như trong những bức ảnh của ông đã đột ngột giảm hẳn vào thập niên 1970, sau thời kỳ tăng trưởng cao. Vào thập niên 1980 thì không còn chụp được những tấm ảnh như vậy nữa.

Miyahara nói rằng “khi những trò chơi như vậy mất đi cũng chính là lúc học sinh trung học bắt đầu quậy phá, nạn bắt nạt, bỏ học trở nên nhức nhối.”

Những chỉ số về năng lực vận động của nữ học sinh trung học năm 1970 và năm 2000 cho thấy khoảng cách thế hệ rõ rệt. Trong khi cơ thể phát triển hơn so với thế hệ trước thì cả sức mạnh, sức bền, độ linh hoạt đều thuyên giảm. Những giải pháp mang tính hình thức về giáo dục thể chất được áp dụng đồng loại lại đang làm cho dữ liệu ngày càng xấu đi và cần có biện pháp để lấy lại năng lực thể chất thông qua hoạt động vui chơi của trẻ.

Không chỉ có vậy, vui chơi tự nhiên còn nâng cao năng lực giao tiếp. Những giao tiếp trong khi chơi đòi hỏi trẻ phải biết cách lựa chọn từ ngữ phù hợp, ngắn gọn, theo cách dễ hiểu, từ đó mà hình thành nên năng lực một cách tự nhiên. Năng lực này sẽ được phát huy về sau trong cuộc sống khi kết bạn, lập kế hoạch, phát biểu ý kiến… Có thể coi những yếu tố cơ bản của năng lực sống được tạo lập trong khi chơi.

Điều quan trọng là việc chơi cần được tích luỹ. Có lẽ không có đứa trẻ nào ngày nay dám chơi trò nhảy từ trên đỉnh cầu trượt cao xuống đất như trong bức ảnh của Miyahara. Chơi phải là quá trình đứa trẻ sẽ thành thục dần, mạnh bạo dần qua thời gian từ khi còn bé.

Chơi là một trải nghiệm ngày càng trở nên thú vị hơn khi sáng tạo, cảm giác thành công khi chơi xong, niềm vui đi kèm với nó, mong muốn thử thách cao hơn, rồi niềm tin và sự tự tin vào bản thân có được qua đó… Những cảm xúc và ký ức tích cực về một trải nghiệm vui chơi phải được in sâu vào cơ thể.

Vui chơi không chỉ là nâng cao kỹ năng mà còn là tăng cường tính chủ động xúc cảm để biến thế giới thành của riêng mình. Cơ thể ghi nhớ cách chơi và qua đó định hình vai trò chủ động của trẻ khi hướng ra thế giới.

Những bí quyết chơi và những kỷ niệm vui sướng không in sâu vào cơ thể của lứa trẻ ngày nay khiến chúng rất khó phát triển niềm tin vào bản thân. Với những đứa trẻ như vậy, dù có không gian, thời gian và bạn bè, chúng cũng sẽ không bắt đầu chơi. Chơi là một thái độ tích cực, động lực và sự sáng tạo đối với thế giới, được lên men trong khi sống.

Lược dịch

https://president.jp/articles/amp/56371