Sức hút kỳ lạ của dịch vụ cho thuê ông chú tại Nhật
Nhật Bản đích thị là “miền đất hứa” cho các dịch vụ thuê người, từ thuê anh chị em, người béo cho đến cả các ông chú trung niên (Ossan).
Sức hút kỳ lạ của dịch vụ cho thuê ông chú tại Nhật
Nhật Bản đích thị là “miền đất hứa” cho các dịch vụ thuê người, từ thuê anh chị em, người béo cho đến cả các ông chú trung niên (Ossan).
Gần đây, dịch vụ thuê ông chú trung niên tại Tokyo đã kỷ niệm 10 năm thành lập, cho thấy sức hút không nhỏ của loại hình chỉ có tại Nhật Bản này. Chỉ với mức phí 1.000 yên/giờ (khoảng 172.000 VND), bạn sẽ có thể nhận các lời khuyên trong cuộc sống hoặc yêu cầu Ossan làm một việc gì đó cho mình.
Dịch vụ thuê Ossan ra đời như thế nào?
Trong tiếng Nhật, “おっさん – Ossan” là từ thường dùng trong giao tiếp hằng ngày, đôi khi mang ý xúc phạm, để chỉ một ông chú trung niên ở độ tuổi từ 30 đến 50.
Ra đời vào năm 2012, dịch vụ thuê Ossan (おっさんレンタル – Ossan Rentaru) do nhà sản xuất trang phục và tạo mẫu tóc Takanobu Nishimoto, 54 tuổi, sáng tạo ra. Ý tưởng về dịch vụ độc đáo này đến với Nishimoto khi ông vô tình nghe thấy một số nữ sinh trung học chế nhạo các Ossan, nhất là về lông mũi của họ trên tàu điện ngầm.
Takanobu Nishimoto, người sáng lập dịch vụ thuê Ossan. Ảnh: taishu.jp
Từ đó, Nishimoto ấp ủ mong muốn muốn lấy lại danh dự cho các Ossan bằng cách chứng minh cho mọi người thấy các ông chú trung niên thật ra cũng ăn mặc rất hợp thời và vui tính.
Một ngày nọ, khi đang ở cửa hàng cho thuê băng đĩa Tsutaya, Nishimoto chợt nghĩ sẽ thật thú vị nếu Ossan trở thành một ai đó mà mọi người có thể thuê được. Cùng với sự giúp sức của vợ, dịch vụ cho thuê Ossan đã ra đời và có giá thuê là 1.000 yên/giờ.
Lúc bấy giờ, tại Nhật Bản đã xuất hiện dịch vụ cho thuê bạn trai, nhưng ý tưởng cho thuê ông chú vẫn nhanh chóng thu hút giới truyền thông và lan tỏa rộng rãi trên mạng xã hội chính vì tính độc đáo của nó.
Trong hai năm đầu kinh doanh, Nishimoto vừa là ông chủ, vừa trở thành đối tượng Ossan cho thuê. Nhưng hiện tại, đội ngũ Ossan của công ty đã lên đến 69 người với đa dạng tính cách, kỹ năng và xuất thân.
Họ nằm trong độ tuổi từ 38 đến 69. Mỗi người có một biệt danh riêng, chẳng hạn “Ossan tư vấn” hay “Ossan lắng nghe”. Tất nhiên, vẫn có quy định cụ thể về những việc một Ossan có thể hoặc không thể làm, và cho thuê đến mấy giờ sẽ tùy thuộc vào độ tuổi của người thuê.
Thành công ngoài mong đợi
Ông Nishimoto bật mí rằng các Ossan tham gia dịch vụ đều cảm thấy rất hài lòng khi có thể kết nối với những người mà thông thường họ sẽ chẳng bao giờ có cơ hội tiếp xúc. Được biết, những ông chú làm công việc này hoàn toàn không phải vì thu nhập.
Ông Nishimoto cũng khá bất ngờ bởi trái với dự đoán ban đầu, khách hàng mục tiêu sẽ là những cậu trai trẻ tuổi cần một người hướng dẫn, kết quả 80% khách hàng lại là phụ nữ.
Các ông chú trung niên của dịch vụ thuê Ossan. Ảnh: ossanrental.thebase.in
70% người sử dụng dịch vụ thuê Ossan khi muốn nhận lời khuyên về một điều gì đó, chẳng hạn như tình yêu, công việc, những thắc mắc chung..., và 30% muốn được giúp làm việc gì đó như sửa máy tính, đèn hoặc đường dây diện.
Các khách hàng nam trẻ tuổi tìm đến họ để xin lời khuyên về tương lai hoặc công việc. Khi càng hiểu nhau hơn qua nhiều lần gặp gỡ, khách thường bắt đầu nhờ Ossan cùng họ đi đến những địa điểm khác nhau. Do ảnh hưởng của đại dịch, số lượng thuê Ossan trực tuyến đang tăng lên.
Điểm sáng của dịch vụ chính là nhiều Ossan có chuyên môn với những tài năng độc đáo. Chẳng hạn như với “Ossan giáo sư đại học”, họ có thể mang đến dịch vụ đọc và chỉnh sửa bài luận hoặc phỏng vấn giả định cho người thuê.
Takanobu cũng đang nghĩ đến việc thay đổi mô hình kinh doanh hiện tại với việc phân loại các Ossan theo trình độ chuyên môn để họ có thể hỗ trợ người thuê tốt nhất.
Trong số các Ossan gắn bó với nghề, Ken Sasaki, 51 tuổi có biệt danh “Ossan IT kiêm chơi đàn violin” đã tham gia dịch vụ cho thuê đặc biệt này trong suốt 6 năm. Tài năng âm nhạc cùng khả năng IT khiến Ken trở thành một Ossan rất được yêu mến.
Về kỹ năng chơi nhạc, ông đã nhận được nhiều yêu cầu như chơi violin tại tiệc sinh nhật, buổi tụ tập của các cô gái, biểu diễn các bài hát Giáng sinh tại nhà chung. Với kỹ năng về IT, ông nhận được yêu cầu trợ giúp cài đặt máy tính, mua thiết bị điện tử và đưa ra lời khuyên nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, Ossan Ken còn đáp ứng một số yêu cầu độc đáo khác như xuất hiện trong video Youtube, trở thành nhân vật chính trong phim của một đạo diễn mới vào nghề, giả làm một người bạn phát biểu tại lễ cưới với mục đích gây cười rồi sau đó biểu diễn đàn violin, cùng đến Tokyo Tower với người thuê và thậm chí là giúp di chuyển quân cờ cho người khuyết tật tại một giải đấu cờ Shogi.
Với sức hút đặc biệt, dịch vụ thuê Ossan không chỉ hữu ích với khách hàng mà còn mang đến nềm vui cho chính người được thuê. Đặc biệt, họa sĩ truyện tranh Katsuhisa Minami đã lấy cảm hứng từ dịch vụ này để xây dựng nghề nghiệp của nhân vật chính trong manga "The Fable" (Sát thủ ẩn danh) của ông. Họa sĩ cũng đã tìm đến người sáng lập Takanobu để nghiên cứu sâu hơn về dịch vụ.